vendredi 31 janvier 2014

Liệu Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đến được Genève dự điều trần về nhân quyền?


Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
DR

Thụy My
Nhận lời mời từ UN Watch, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc, nhà báo độc lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự kiến sẽ có chuyến đi Genève vào ngày 01/02/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham dự một cuộc hội thảo về dân chủ và nhân quyền, bên cạnh cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Việt Nam diễn ra tại Genève ngày 05/ 02/2014.

Được giới thiệu như một trong những diễn giả chính của cuộc hội thảo trên, bài tham luận của tiến sĩ Phạm Chí Dũng sẽ đặt vấn đề về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”. Bài tham luận này là bức tranh phác thảo về hiện tình kinh tế - xã hội - chính trị ở Việt Nam cùng những tiền đề cho xã hội dân sự tại quốc gia này. Đồng thời nêu ra một số dự báo cho năm 2014 và xu hướng những năm sau đó, đặt vấn đề về sự cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người.
Ngày 29/01/2014, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam tại Genève và đại sứ Việt Nam tại Bangkok, đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho chuyến đi của TS Phạm Chí Dũng. Văn thư này cũng nêu rõ một trong những yêu cầu chủ yếu của cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nhóm dân sự và cá nhân Việt Nam tham dự cuộc kiểm điểm này.
Được biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam tạo thuận lợi cho chuyến đi Genève của tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Tuy nhiên, một câu hỏi thách đố đối với cá nhân tiến sĩ Phạm Chí Dũng và giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam nói chung là liệu ông có được xuất cảnh theo lời mời của UN Watch đến Genève hay không.
Vào lần này, cũng đã xuất hiện tín hiệu “vận động” của cơ quan an ninh Sài Gòn đối với gia đình TS Phạm Chí Dũng về việc ông “không nên đi Thụy Sĩ để tránh bị lợi dụng”. Đến ngày 31/01/2014 (mùng một tết), một nhân viên công an của phường 1, quận Tân Bình là địa bàn TS Phạm Chí Dũng cư trú, đã đến nhà ông để đưa giấy mời ông đến trụ sở công an phường với lý do “làm việc” vào sáng ngày 01/02/2014 (mùng 2 tết). Người ký giấy mời là đại tá Nguyễn Thành Dân - trưởng phòng PA81 thuộc Công an TP.HCM.
Cần nhắc lại, vào tháng 8/2012 tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị một cơ quan an ninh Việt Nam khuyến cáo “không nên đi” khi ông được mời dự hội thảo mùa hè ở Singapore về cải cách kinh tế Việt Nam. Việc không đồng ý với khuyến cáo của cơ quan an ninh cũng được hiểu là đương sự hoàn toàn có thể bị ngăn chặn tại sân bay, nếu vẫn giữ nguyên kế hoạch xuất cảnh.
Gần đây nhất, vào khoảng giữa tháng Giêng năm 2014, một blogger ở Sài Gòn là Paulo Thành Nguyễn đã bị an ninh cửa khẩu ách chuyến bay sang Mỹ, dù blogger này đã được tòa lãnh sự Hoa Kỳ cấp visa. Theo blogger Thành Nguyễn, phía cơ quan an ninh chỉ đưa ra một lý do rất mơ hồ trong việc ngăn chặn là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’.
Theo Hiến pháp Việt nam, một trong những quyền con người được quy định là quyền tự do đi lại, trong đó ghi rõ “Công dân Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.
Hành động “mời làm việc” của cơ quan công an Sài Gòn ngay trước chuyến đi Thụy Sĩ cho thấy vẫn có thể xảy ra việc cố tình ngăn chặn TS Phạm Chí Dũng, thậm chí ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, bất chấp mối quan tâm đặc biệt của các cơ quan quốc tế về nhân quyền. Nếu xảy ra, hành động ngăn chặn như vậy rõ ràng sẽ trái với các cam kết về nhân quyền của Nhà nước Việt Nam trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khi quốc gia này được chấp thuận là thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền vào tháng 12/2013.
TS Phạm Chí Dũng cho biết, nếu chuyến đi Thụy Sĩ bị ngăn chận bất hợp pháp, ông sẽ chính thức khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời thông tin rộng rãi cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế về vụ việc này.

Ăn Tết Giáp Ngọ ở Genève


Blog / Bùi Tín / VOA


Những ngày giáp Tết Giáp này, mọi tấm lòng Việt Nam yêu nước, thương dân, yêu dân chủ, chuộng dân quyền đều hướng tới Genève, Thụy Sĩ, một trung tâm chính trị-ngoại giao- tài chính-du lịch quốc tế nổi tiếng.

Vì sao vậy? Vì ngày 30/1/2014, cũng là ngày Ba mươi Tết cổ truyền, tại Lâu đài các Quốc gia (Palais des Nations) giữa Genève sẽ có cuộc họp trù bị của một số tổ chức Việt Nam và quốc tế quan tâm đến vấn đề nhân quyền để chuẩn bị cho cuộc họp Kiểm điểm Định kỳ Tổng quát về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Universal Periodic Review – UPR) sẽ diễn ra tại đây vào ngày 5/1 tới.

Cuộc họp UPR diễn ra 4 năm 1 lần. Năm nay đến lượt Việt Nam được “lên mâm“ (sur le plateau) để tự kiểm điểm và trả lời những phê bình nhận xét, góp ý, chất vấn của các nước về vấn đề Nhân quyền là một giá trị cơ bản của tổ chức quốc tế cao nhất này. Điều đặc biệt năm nay là VN là thành viên Hội Đồng Nhân quyền LHQ, có trách nhiệm làm gương mẫu về mặt này.


Năm nay có 14 nước được lần lượt “ lên mâm” trong gần 2 tuần lễ, từ 27 tháng 1 đến 7 tháng 2; ngày 5 tháng 1 dành riêng cho VN.

Được biết năm nay theo thủ tục rút thăm, 3 nước sẽ làm trọng tài điều khiển cuộc UPR về VN là Kenya thuộc châu Phi, Kazakhstan ở Châu Âu, và Costa Rica ở châu Mỹ.

Ngày 4/2, trước ngày họp chính thức của UPR một ngày, nhằm ngày mồng 5 Tết âm lịch - Ngày kỷ niệm Đại thắng Đống Đa - sẽ có cuộc hội thảo quan trọng của phiá các tổ chức dân chủ và nhân quyền VN và các tổ chức quốc tế cùng nhau góp ý cho cuộc họp UPR. Cuộc họp mặt sơ bộ ngày 30 Tết là bước chuẩn bị thật tốt cho cuộc họp này. Đã có nhiều tổ chức quốc tế đăng ký tham gia và góp tham luận trong cuộc hội thảo ngày 4/1, như: Human Rights Watch, Freedom House, Frontline Defenders, the International Commission of Jurists, the Committee to Protect Journalists, Southeast-Asia Press Alliance, Reporters Without Borders…

Điều nổi bật năm nay là đoàn đại biểu cho phía dân chủ và nhân quyền VN cùng bạn bè là các tổ chức quốc tế dân chủ và nhân quyền khá là đông đảo. Trước hết và quan trọng hơn hết là đoàn dân chủ và nhân quyền VN đến từ trong nước, đại diện cho một xã hội dân sự đang phát triển trong đàn áp khốc liệt như: Hiệp hội Dân Oan VN, Mạng lưới Bloggers VN, Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo, Con đường VN, mạng Dân Làm Báo, Trung tâm Chúa Cứu Thế, tổ chức No-U, chưa kể một số chừng một chục người bị chặn không cho xuất cảnh.

Sự xuất hiện của ông Trần Văn Huỳnh, thân sinh anh Trần Huỳnh Duy Thức, của các bà mẹ các anh Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha, mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như sự có mặt của cô Đoan Trang, anh Nguyễn Anh Tuấn … tại Capitol – trụ sở Quốc hội Hoa kỳ, trực tiếp phát biểu như là những nhân chứng sống, là một sự kiện tuyệt vời. Họ đã phải lên đường theo chiến thuật du kích, “vượt biên “ chính thức lẻ tẻ rồi hội tụ với nhau, làm nên việc lớn. Năm vị Dân biểu Hoa Kỳ đã nhận đỡ đầu cho năm chiến sỹ dân chủ đang bị giam cầm ở VN cũng là một sự kiện nổi bật.

Hầu hết các đại biểu từ trong nước đều ghé qua New York thăm trụ sở LHQ, rồi bay qua châu Âu, làm việc tại thủ đô Bỉ, Brussels, nơi đóng các cơ quan của khối Liên Âu, hiện đã tới Genève, ráo riết mở chiến dịch vận động cho dân chủ và nhân quyền ở VN.

Sự phối hợp trong và ngoài nước giữa các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền thật đáng khâm phục. Theo tin của nhiều trang mạng, luật sư Trịnh Hội thuộc VOICE, một tổ chức đã có nhiều nỗ lực giúp bà con tỵ nạn cũng như nạn nhân cơn bão Hải Yến ở Philippin, cùng nhà truyền thông Đỗ Phủ đã và đang góp phần quan trọng cho một chiến dịch tấn công trên mặt trận ngoại giao nhân dân non trẻ rất năng động này. Họ bắt tay làm việc từ những việc nhỏ nhất, với kế hoạch sát thực tế, có khi âm thầm kín đáo, với một loạt nam nữ cộng tác viên tình nguyện trong và ngoài nước rất trẻ, giỏi ngoại ngữ, am hiểu thế giới hiện đại, nhằm vào hiệu quả công việc trong một thời gian ngắn.

Họ đọ sức với ai ? Với một chính quyền độc đảng, biên chế quan liêu nặng nề, với một nền ngoại giao phụ thuộc, trong cơn suy thoái thê thảm.

Để đối phó với cuộc Kiểm điểm UPR ngày 5/2/2014 tới, Bộ Ngoại giao Hà Nội đã cử đi một đoàn 30 cán bộ. Họ sẽ dùng những thủ đoạn cũ, mớm lời cho một vài luật sư, nhà kinh doanh, các chức sắc thuộc đủ tôn giáo, sắc tộc, trí thức ở nước ngoài, lấy hiện tượng nhằm xoá nhòa bản chất, dùng ngụy biện để nói lấy được kiểu lý sự cùn. Cũng không loại trừ khả năng họ dùng tiền bạc, quà cáp, biếu xén để mua chuộc đại biểu một số nước, nhất là ba nước trọng tài để nhờ bênh che, hoặc là chiếm thời gian phát biểu, để lấp liếm tội lỗi của họ.

Nền ngoại giao giáo điều đang độ suy thoái cầm đầu bởi một bộ trưởng trẻ còn non tay, không có một quyền uy nào vì mới là ủy viên Trung ương dự khuyết mới lên chính thức, không có mặt trong Bộ Chính trị, chỉ là một viên chức bị Bộ Chính trị và Ban Bí thư sai bảo, nay phải đối phó gần như trực diện với một nền ngoại giao nhân dân non trẻ, mang chính nghĩa dân tộc, mang giá trị dân chủ và nhân quyền của thời đại, được phối hợp trong và ngoài nước khá nhịp nhàng.

Đúng vào lúc nền ngoại giao hụt hơi, viên Lãnh sự Đặng Xương Hùng ở Genève rời bỏ nhiệm sở, tuyên bố công khai với các đài quốc tế và mạng Dân Làm Báo (ngày 22/1/2014) rằng ông chính thức rời bỏ đảng CS, ông còn kêu gọi cán bộ của Hà Nội tham dự UPR hãy trung thực đứng về phía nhân dân, nói lên sự thật về nhân quyền bị chà đạp ra sao. Ông sẵn sàng giúp ý kiến cho đoàn đại biểu nhân dân đang ở Genève.

Năm Giáp Ngọ sắp mở đầu. Cứ như đoàn ngoại giao nhân dân không đáp máy bay, mà cưỡi ngựa chiến, những dũng mã thời Quang Trung để sang tận châu Âu mở Chiến dịch Dân chủ và Nhân quyền, dồn thế lực toàn trị phản dân chủ chà đạp nhân quyền ra trước một kiểu vành móng ngựa xét xử theo luật lệ quốc tế. Để xem họ chống chế, cãi tội của họ ra sao.
 
 

Nhất định chính nghĩa sẽ thắng lợi. Chỉ là thắng với mức độ nào. Xin chúc các bạn ở tiền tuyến Genève vui, mạnh, ăn Tết Giáp Ngọ thật ngon lành, đầy hứng khởi, mang nhiều quà tinh thần về nước, mở màn cho năm Giáp Ngọ đầy triển vọng.

Tôi tin rằng đông đảo bà con Việt Nam ta ở trong và ngoài nước đang ăn Tết hướng sang Genève với các bạn thân yêu, theo dõi tường tận từng đường đi nước bước của các bạn.

Sáu mươi năm là một Giáp hoàn chỉnh. Lịch sử rất kỳ lạ đến mức tuyệt vời. Có những ngẫu nhiên tình cờ mang tính tất yếu. Năm Giáp Ngọ trước là năm 1954, năm nay là Giáp Ngọ 2014, cách nhau 60 năm tròn.
 
 

Năm 1954 sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc họp quốc tế ở Genève là một thất bại nặng nề, lâu dài. Đất nước bị chia cắt làm hai, cho đến nay tuy có hòa bình, có thống nhất về hình thức nhưng lòng người còn ly tán, vết chia cắt chưa liền da.

Phải chăng Xuân Giáp Ngọ Genève 2014 là sự kiện lịch sử bắt đầu xóa bỏ nỗi uất hận chia cắt đất nước sau đúng 60 năm, nỗi uất hận của năm Giáp Ngọ 1954, để toàn dân ta khôi phục trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đi đến hòa hợp dân tộc mãi mãi bền vững.

Thêm một lý do để năm nay Tết Giáp Ngọ toàn dân ta vui Tết ở Genève.

Tại sao Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) 2014 quan trọng?

Nguyễn Thanh Văn


Ngày 15.3.2006 theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một cơ chế với tên gọi The Universal Periodic Review (UPR), tiếng việt là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đã được hình thành. Từ đó, cứ 4 năm rưỡi một lần, Liên Hiệp Quốc thông qua Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ - Human Rights Council) lại có cuộc kiểm điểm các quốc gia thành viên (thí dụ như Việt Nam) về vấn đề nhân quyền, để xem các nước đó có thi hành đúng các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký kết hay không.

Cuộc kiểm điểm sẽ dựa theo:

1/ báo cáo do quốc gia được kiểm điểm cung cấp (the State's national report),
2/ Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN report on the State),
3/ Báo cáo tổng kết của các thành viên liên quan (Summary of other relevant Stakeholders' information) như các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các nhà hoạt động dân chủ, xã hội, về vấn đề nhân quyền ở nước quốc gia được kiểm điểm.

Sau đó họ sẽ tổng kết và đưa ra khuyến nghị yêu cầu quốc gia liên hệ thực hiện. Quốc gia bị xem xét phải thực hiện những khuyến nghị ấy trước lần Kiểm điểm UPR 4 năm sau.

Lần kiểm điểm định kỳ này là lần thứ 18, gồm 32 phái đoàn chính phủ các quốc gia tham dự trong đó có Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam sẽ phải điều trần về tình hình nhân quyền của mình vào ngày 5.2.2014.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của LHQ từ năm 1981 và từ đó đến nay đã ký nhiều Công ước quốc tế như:

- Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (9.6.1981);
- Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (27.11.1981);
- Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị (24.9.1982);
- Công ước về quyền trẻ em (20.2.1990);
- Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác, gọi tắt là Công ước chống tra tấn (7.11.2013).

Trên nguyên tắc, khi ký kết để trở thành thành viên của một tổ chức nào đó thì quốc gia xin gia nhập phải cam kết tôn trọng những tôn chỉ và mục đích của tổ chức đó, cũng như phải tôn trọng và thực thi những thoả ước chung của tổ chức. Với tổ chức Liên Hiệp Quốc thì những thoả ước chung đó là các công ước quốc tế như đã nêu ở trên. Tuy nhiên cho tới nay nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ tôn trọng những gì họ đã ký kết và luôn ngụy biện cho những hành động cố ý sai trái của họ. Vì vậy vạch trần trước thế giới sự thật về tình trạng chà đạp nhân quyền tại VN là việc luôn cần thiết. Hiện nay số nạn nhân mới mỗi năm lại gia tăng, trong khi các nạn nhân của những năm trước vẫn tiếp tục sống trong đọa đày trong tù và ngoài tù, như Nhà giáo Đinh Đăng Định, ông Ngô Hào, Lm. Nguyễn Văn Lý, Ms. Nguyễn Công Chính, Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Ls. Cù Huy Hà Vũ, Đinh Nguyên Kha, bà Lê Thị Đoa, Trần Thị Thúy, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, các ông Vi Đức Hồi, Trần Anh Kim, và một danh sách hàng mấy trăm người. Đó là những nhân vật tiêu biểu cho tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Hà Nội, vốn đã được nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế, hoặc chính những uỷ ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đề cập đến nhiều lần. Nhưng ngoài danh sách này ra còn hàng trăm ngàn các nạn nhân khác trong khối bà con dân oan, trong giới sinh viên, và trong mọi ngành nghề, mọi tầng lớp xã hội bị tước đoạt nhân quyền hàng ngày trên cả nước.

Cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam trong năm nay càng trở nên đặc biệt vì có sự chú ý của công luận quốc tế sau khi nhà cầm quyền CSVN len chân vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Thêm vào đó lại còn có hàng loạt các phán quyết của Ủy Ban LHQ về Bắt Người Tùy Tiện đối với trường hợp của 17 Thanh Niên Công Giáo, Ls. Lê Quốc Quân, chị Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Mục sư Dương Kim Khải, chị Trần Thị Thúy, bà Phạm Ngọc Hoa, các ông Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành, Cao Văn Tỉnh.

Mặt khác, qua các phương tiện thông tin trên internet, bức màn bưng bít thông tin của CSVN đã gần như bị vô hiệu hoá. Vì vậy, UPR 2014 là cơ hội để giúp nâng cao sự hiểu biết của đại khối quần chúng Việt Nam một cách chính xác (không bị nhà cầm quyền bóp méo) về các QUYỀN đương nhiên của con người. Có lẽ đây mới là điều quan trọng hơn cả. Những quyền đương nhiên đó đã được minh định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, mà nhà nước Việt Nam là một thành viên đã ký kết. Những quyền đó không phải là ơn huệ do đảng CSVN ban phát. Nhưng ngược lại, mọi chính sách hạn chế, cấm đoán, xiềng xích các quyền con người đều là hành vi sai trái nặng nề, vi phạm các giao ước quốc tế, và bị thế giới khinh tởm.

UPR 2014 cũng là cơ hội để nhấn mạnh trong các quyền của người dân có cả quyền hạch hỏi, chất vấn những kẻ cầm quyền. Vì nhân dân đẻ ra và nuôi chính phủ, do đó nhân dân là cha mẹ của chính phủ chứ không phải ngược lại như những luận điệu mà chế độ CSVN cho tới nay vẫn tự nhận.

Cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam trong năm nay có thêm một điểm đặc biệt khác là sự hiện diện của một phái đoàn đấu tranh cho nhân quyền đến từ Việt Nam. Sự có mặt của phái đoàn mang tính nhân chứng này sẽ là một sự thật rất khó khỏa lấp hay chối cãi cho nhà nước CSVN. Phái đoàn gồm một số người thân của những nhà đấu tranh dân chủ đang bị cầm tù, ký giả, blogger, các nhà vận động nhân quyền, v.v... Nhà cầm quyền đã cố gắng dùng đủ mọi thủ thuật để ngăn chận việc xuất cảnh của những khuôn mặt mà họ đã gờm trong danh sách nhưng nhiều người đã vượt qua được các rào cản với sự tiếp tay trợ giúp của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Tóm lại, cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) năm nay trở nên quan trọng đặc biệt không chỉ vì nội dung kiểm điểm đối với một nhà nước đang vi phạm nhân quyền tới mức chuyên nghiệp; mà còn vì cuộc kiểm điểm này đánh dấu một tầng liên kết mới giữa những nhà hoạt động trong và ngoài nước trên mặt trận nhân quyền; và mở màn cho một cuộc đối đầu mới giữa đại khối người Việt biết rõ các quyền của mình chống lại những kẻ đã ngang nhiên cướp đoạt các quyền đó của họ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

DienDanCTM

jeudi 30 janvier 2014

Thư Xuân của Đại Lão Hòa Thượng Thích Như Đạt

Thư Xuân của Đại Lão Hòa Thượng Thích Như Đạt, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, 
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.



Thư Chúc Tết của TGM Bùi Văn Đọc

Thư Chúc Tết của TGM Phao Lồ Bùi Văn Đọc
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
DienDanCTM

Thư Chúc Tết của Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng Việt Tân

Thư Đầu Năm Giáp Ngọ 2014
Kính Gửi Đồng Bào Việt Nam

Kính thưa đồng bào,

Trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014, chúng ta ai cũng đều mong sang năm mới tình hình đất nước sẽ tốt đẹp hơn, đời sống của mọi người được dễ dàng và sung túc. Tuy nhiên, điều này có xảy ra hay không tùy thuộc vào khả năng lẫn thiện chí của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trước những mong ước của người dân. 

Nhìn lại năm 2013 vừa qua, nhà cầm quyền đã gặp thêm nhiều khó khăn tác động lên khả năng
kiểm soát tình hình của họ. Ngày hôm nay chế độ độc tài Cộng sản đang phải đối diện bốn vấn đề chính.

Đầu tiên là tình trạng tranh giành quyền lực và quyền lợi trong nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản đã bùng nổ công khai trước mắt mọi người. Thật ra việc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản không phải là điều gì mới, nhưng thay vì được che đậy như trước đây thì nay mọi việc được phơi bày lộ liễu trước công luận. Tất cả những gì xấu xa nhất của giới lãnh đạo nay được đem ra ánh sáng, lột trần trước mắt của người dân.

Cuộc chiến giữa một bên là phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, một bên là bè cánh Trương Tấn Sang đã đến mức khó lòng hàn gắn. Đây không phải là sự tranh chấp vì khác biệt chính sách hay phương thức giải quyết những vấn đề của đất nước, mà tất cả chỉ để giành lấy cơ hội mặc sức làm giàu cho bản thân và con cháu của họ. Từ nay cho tới Đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản vào năm 2016, sự tranh chấp giữa hai phe chắc chắn sẽ gia tăng khốc liệt. Điều này sẽ tiếp tục soi mòn uy tín của lãnh đạo, gia tăng sự chán ngán của hàng ngũ đảng viên Cộng sản, và mở cửa để dư luận quần chúng tấn công thẳng vào những tệ trạng của chế độ.

Thứ hai là nền kinh tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nhất là hệ thống ngân hàng với số nợ xấu đang gia tăng do sự tuột dốc của thị trường bất động sản đã làm nguồn vốn cho vay càng ngày càng khan hiếm. Hậu quả tất yếu là nhiều doanh nghiệp bị phá sản hay đóng cửa, những nơi còn cầm cự được phải giảm công suất đưa đến tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều.

Nguyên do của những khó khăn kinh tế hiện nay chính là tình trạng tham nhũng đã lên tới mức tột cùng, ăn sâu tới mọi tầng lớp trong chính quyền, từ trung ương tới địa phương. Nợ xấu ngân hàng cũng đến từ bao che, thông đồng cho phe nhóm giựt tiền công quỹ. Nợ công từ quốc tế gia tăng vùn vụt một phần vì các vụ thất thoát tai tiếng như Vinashin và Vinalines. Vụ án Dương Chí Dũng chỉ là một thí dụ của biết bao nhiêu trường hợp tương tự vẫn còn bị ếm nhẹm.

Và khi những món tiền vay mượn quốc tế đã trở thành tài sản riêng của giới lãnh đạo thì chính từng người dân Việt Nam sẽ phải trả nợ thay cho những người đang đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản. Nếu dựa vào số nợ công hiện nay vào khoảng 130 tỷ đô la Mỹ, trung bình mỗi một người Việt Nam, bất luận người già hay trẻ sơ sinh, ngay giờ phút này đều đang mang trên vai món nợ là 1.500 đô la chưa kể tiền lời. Ai cũng thấy rõ thủ phạm tham nhũng lớn nhất chính là guồng máy nhà nước và đảng Cộng sản. Nhưng chế độ không thể giải quyết được tham nhũng vì đấy cũng chính là bản chất của họ, và vì vậy họ bị giới hạn trong khả năng giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế hiện nay.

Thứ ba, do sự thối nát của lãnh đạo và guồng máy cầm quyền, nhiều trí thức yêu nước, cựu cán bộ Cộng sản cao cấp, và một số đảng viên Cộng sản đã lên tiếng đòi hỏi chế độ phải thay đổi. Đặc biệt qua việc sửa đổi Hiến pháp trong năm 2013, rất nhiều người đã đòi phải bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, chấm dứt tình trạng độc quyền của đảng Cộng sản. Có thể nói trong hơn nửa thế kỷ cầm quyền, đây là lần đầu tiên rất nhiều người, kể cả chính đảng viên Cộng sản, đã công khai tấn công thẳng vào nền tảng quyền lực của chế độ độc tài.

Phong trào này đã tạo sức ép lên chính nội bộ đảng Cộng sản và tác động lên tinh thần của thành phần đảng viên. Thay vì thức thời và đáp ứng nguyện vọng của người dân, chế độ co rút lại với những phản ứng cực kỳ bảo thủ để rồi thông qua bản hiến pháp y hệt như cũ. Thái độ này đã làm nhiều người chính trong hàng ngũ Cộng sản thất vọng và phản ứng. Điển hình là luật gia Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng Cộng sản, đồng thời kêu gọi lập đảng khác để chống lại tình trạng độc tài độc đảng như hiện nay. Dù ông đã ra đi vì bạo bệnh, nhưng việc làm của ông Lê Hiếu Đằng là một hành động can đảm, góp phần tạo áp lực phải thay đổi lên nội bộ của chế độ.

Sau cùng, mặc dù chế độ đã thẳng tay đàn áp từ nhiều năm qua, bắt bớ rất nhiều người nhưng những tiếng nói tranh đấu cho công lý, nhân quyền và dân chủ vẫn ngày càng gia tăng. Hiện nay hàng ngũ những người đấu tranh đang rất đa dạng; từ những người dân oan chống tham nhũng đến những người blogger thực thi quyền tự do ngôn luận; từ những người trí thức đẩy mạnh việc xây dựng xã hội dân sự đến những người yêu nước kiên trì kêu gọi chống Trung Quốc xâm lăng.

Những nỗ lực đấu tranh này đã chứng tỏ khả năng tồn tại trước sự trù dập của chế độ, có sức lôi cuốn nhiều giới, và đang từng bước giúp mọi người vượt qua sự sợ hãi trước guồng máy công an. Chính những hoạt động đấu tranh đó đang góp phần rất lớn làm suy yếu khả năng kiểm soát xã hội của chế độ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiến trình dân chủ tiếp tục đi tới.

Kính thưa đồng bào,

Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, chế độ độc tài Cộng sản đã để lộ nguyên hình của một chế độ nhũng lạm, tha hóa và tàn ác. Những người lãnh đạo chế độ hiện nguyên hình là những con người gian tham và nham hiểm. Nhưng cũng chính vì vậy mà chế độ ngày hôm nay đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và nhất là áp lực phải thay đổi hoặc phải ra đi. Một viễn cảnh đang hé mở cho toàn dân, đó là chế độ độc tài Cộng sản sẽ không thể tiếp tục tồn tại mãi mãi như hiện nay.

Tiến trình thay đổi đòi hỏi sự đóng góp của tất cả những ai mong mỏi một xã hội trong sáng, một đất nước vững mạnh, và một đời sống có tự do và ấm no. Đây là lúc những đảng viên Cộng Sản còn quan tâm đến tương lai đất nước, hãy đứng về phía dân tộc để cùng nhau đem lại những thay đổi tốt đẹp trong ôn hòa.

Với quyết tâm đó, trước thềm Xuân Giáp Ngọ, thay mặt toàn thể anh chị em đảng viên Việt Tân, tôi xin kính gửi đến đồng bào lời cầu chúc an lành, thịnh vượng và nhiều thành công. Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam có nhiều nghị lực để can đảm vượt qua mọi thách đố và giữ vững niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho tổ quốc.

Trân trọng kính chào đồng bào.

Đỗ Hoàng Điềm
Chủ Tịch Đảng Việt Tân

mercredi 29 janvier 2014

Hà Nội: Công an sử dụng bọn xã hội đen cai quản cuộc sống của bố mẹ tôi



ĐƠN YÊU CẦU

(đơn gửi lần 3)

Kính gửi: Ông Nguyễn Đức Chung – Giám đốc công an thành phố Hà Nội
Họ và tên tôi là: Trần Thị Cẩm Thanh
Địa chỉ: Phòng 110 D4 - Thành Công, Ba đình – Hà Nội

Tôi đã viết đơn gửi cho ông 2 lần nhưng chỉ nhận được thái độ im lặng, điều đó phần nào cho thấy công an Hà Nội đang im lặng dùng bọn xã hội đen để tiếp tục phá hoại cuộc sống của bố mẹ tôi.

Nay tôi viết đơn lần thứ 3 yêu cầu ông giải thích vì sao công an Hà Nội lại lặng lẽ dùng bọn xã hội đen phá hoại, cai quản bố mẹ tôi, truy sát tính mạng tôi (người vạch trần sự việc ra công luận), tôi đề nghị ông dùng nghiệp vụ chỉ cho tôi thấy người phụ nữ trong video này đang thực hiện quyền con người hay quyền công dân nào (xem video)

Cô gái trong video trên và nhiều người khác nữa phải dùng hung khí truy đuổi tính mạng của chúng tôi để đập phá bờ rào nhà bố mẹ tôi, phá tài sản, chiếm đóng và cai quản, đổ bê tông xung quanh nhà bố mẹ tôi... cô ta phạm tội hủy hoại tài sản của người khác nhưng cô ta lại tuyên bố cô ta đang thay công an cai quản con đường, quản lý đất của nhà nước, vậy các ông có bản thiết kế hay bản vẽ chứng minh là có một con đường của địa phương trong khuôn viên của gia đình tôi? Bố mẹ tôi đã chiếm con đường của địa phương từ khi nào? Các ông có tài liệu chứng minh bố mẹ tôi lấn chiếm đất của địa phương để sử dụng không? Nếu không có tài liệu để chứng minh phù hợp thì thực tế là bằng chứng công an thay vì bảo vệ, công an đã bảo kê cho tội phạm hủy hoại tài sản của bố mẹ tôi.

Tại sao công an lại phải vận động thành lập tập đoàn nhân dân tự phát đến dùng bạo lực đến đập bờ rào, vào chiếm đóng, phá hủy tài sản và cai quản bố mẹ tôi?

Bố tôi đã viết đơn sai ở chỗ nào trong 10 năm qua? đến lượt tôi đã viết đơn sai chỗ nào? Tại sao công an lại trốn tránh trả lời, nếu không sai tại sao công an Hà Nội lại phải núp bóng cô gái này hành hạ bố mẹ tôi, công an muốn làm cho bố mẹ tôi phải sống trong sợ hãi? gián tiếp muốn cướp đi sinh mạng của bố mẹ tôi?

Dù bất cứ ai là chủ mưu hãm hại bố mẹ tôi thì những cán bộ công an khu vực làm tay sai cho họ vẫn là kẻ đồng phạm chính, đây là một sự phạm tội có tổ chức, cô gái này chỉ là người được phân công làm nhiệm vụ khủng bố tinh thần trực tiếp lên gia đình tôi, cô ta có cấu kết chặt chẽ với công an.

Tôi yêu cầu ông phải trả lời bằng văn bản vì sao lại phải dùng bọn xã hội đen như cô gái trong video trên để phá hủy nơi ở, chà đạp lên nhân phẩm, nhân quyền của bố mẹ tôi.

Người viết đơn

Trần Thị Cẩm Thanh

Trần Thị Cẩm Thanh 

Tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu vẫn chưa về nhà


Vũ Sỹ Hoàng (Facenook Hành Nhân) - Gia đình anh Trần Ngọc Bích, con trai của người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu đang mong ngóng tin ông từng phút từng giây.

Gia đình được thông báo rằng ông Cầu sẽ được thả ra trước Tết... Giờ đã là chiều 29 Tết rồi mà vẫn chưa thấy gì. 

Đọc thêm: 



Ông Nguyễn Hữu Cầu sinh năm 1947, là một tù nhân lương tâm bị chế độ cộng sản bỏ tù tổng cộng đến nay đã là 39 năm.

Điếu Cày gửi lời chúc tết từ ngục tối



Đoạn ghi âm lời nhắn gửi và chúc tết của blogger Điếu Cày

Danlambao - Vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 22/1/2014, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đã gọi điện thoại cho con trai Nguyễn Trí Dũng để thăm hỏi gia đình và gửi lời chúc tết đến tất cả bạn bè gần xa.

Theo quy định của trại giam, mỗi người tù chỉ được gọi điện thoại về nhà với thời gian tối đa là 5 phút trong một tháng. Trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi, ngoài việc hỏi thăm và dặn dò chuyện gia đình, blogger Điếu Cày cũng cập nhật một số thông tin trong tù như yêu cầu được chăm sóc y tế của anh không được phía trại giam trả lời.

Điếu Cày cho biết, anh đã gửi hai lá đơn kháng nghị đến Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên những lá đơn này chưa được phía trại giam chuyển ra ngoài. Vì vậy, anh dặn dò gia đình thực hiện việc gửi đơn kháng nghị ở bên ngoài.

Nhân dịp sắp bước sang năm mới, Điếu Cày gửi lời cảm ơn, chúc tết đến tất cả bạn bè gần xa, các tổ chức trong và ngoài nước luôn quan tâm, ủng hộ anh. 

Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải năm nay 62 tuổi, chuẩn bị đón cái tết thứ 6 trong tù tại trại giam số 6 thuộc tỉnh Nghệ An, nơi cách xa gia đình 1500 km.

Tiếng kêu cứu của tù nhân lương tâm Hồ Thị Bích Khương

Nguyễn Trung Tôn
Tù nhân lương tâm Hổ Thị Bích Khương
Ngày 26/1/2014 vừa qua, cháu Nguyễn Trung Đức, con trai duy nhất của tù nhân lương tâm Hồ Thị Bích Khương, đã vào trại giam số 5 Thanh Hóa để thăm mẹ.

Khi về nhà cháu cho tôi biết: Hiện tại chị Bích Khương đang rất yếu, gầy và xanh xao. Theo lời cháu Đức kể lại thì thời gian vừa qua do xương vai bị gẫy đã lâu không được chữa trị nên đã thành tật và rất đau đớn. Chị không thừa nhận là mình có tội gì và vì chỗ xương gẫy đau nhức liên tục nên chị không tham gia lao động “cải tạo”. Nhưng vì vậy mà cán bộ trại giam chỉ thị cho các tù nhân khác đánh đập chị nhiều lần. Chỉ trong tháng 1/2014 chị đã 2 lần bị những phạm nhân cùng buồng giam là những người nghiện ma túy đánh đập. Trong lúc gặp con trai mình chị không thể nói hết được những sự kiện đã xảy ra với chị trong nhà tù, vì có tới 4 công an giám sát buổi nói chuyện. Chị chỉ có thể nhắn nhủ ra ngoài rằng mong mọi người hãy cầu nguyện và lên tiếng bênh vực cho chị.

Xin nhắc lại đây là lần thứ 3 chị Hồ hị Bích Khương bị nhà nước CHXHCNVN kết án. Chị bị bắt lần thứ 3 vào ngày 15/1/2011 bị cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” theo điều 88 Luật Hình Sự. Sau đó chị bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế. Hoàn cảnh gia đình chị rất neo đơn bởi chồng chị đã qua đời. Chị chỉ có một con trai duy nhất hiện đang theo học bổ túc văn hóa tại Trung tâm giáo giục thường xuyên tỉnh Nghệ an.

Cháu Đức rất lo lắng việc chị Bích Khương có thể chết trong tù vì vết gẫy xương vai vẫn thường làm chị lên cơn sốt, lại thêm những trận đòn tập thể của các tù nhân khác. Hai năm tù còn lại là quãng thời gian vô cùng tăm tối cho chị.

Kính mong các cơ quan theo dõi nhân quyền quốc tế và các nhà đấu tranh dân chủ trong, ngoài nước lên tiếng bênh vực chị.

Thanh Hóa ngày 28/1/2014
Nguyễn Trung Tôn 
ĐT: 01628387716

Phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam tiếp xúc với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và chính giới Âu châu



Ngay trước khi rời New York đi Brussels vào chiều ngày 27 tháng 1 năm 2014, các bạn đại diện cho phái đoàn dân sự độc lập VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Namđã có tiếp xúc với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tại trụ sở chính của tổ chức này tại New York.

Tiếp đón phái đoàn là là ông Phelim KinePhó Giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch. 

Các bạn Trịnh Hội, Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Đoan Trang đã giới thiệu các báo cáo mới nhất về các sinh hoạt xã hội dân sự, các nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền của các blogger và những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là cuộc vận động 0258. Ông Phelim Kine cũng cho biết chiến dịch này cũng đã được đề cập trong bản Báo Cáo Nhân Quyền Thế Giới 2014 của HRW và ông xem đó là một trong những bước tiến triển mới của phong trào quyền dân sự ở Việt Nam. 

Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn và Ls Trịnh Hội tại văn phòng HRW

Trong dịp này, ông Kine đã gợi ý sắp xếp cuộc gặp giữa phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam và đại diện của Theo dõi Nhân quyền tại Geneva trong những ngày phái đoàn làm việc tại đó. Để gia tăng phối hợp các bạn blogger đã đề nghị một số phương hướng hợp tác sâu sắc hơn trong tương lai, cụ thể là Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, VOICE cùng với HRW thiết lập một cơ chế thông tin về nhân quyền hiệu quả hơn. Những đề nghị này đã được người đại diện của HRW tán dương và đồng ý.

Các bạn Việt Nam đã cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của HRW cho phái đoàn nói riêng và phong trào dân sự ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là nỗ lực thông tin, lên tiếng và tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. 

*

Vào lúc 3 giờ chiều, ngày 28 tháng 1 năm 2014, chỉ vài giờ sau đến Brussels, nơi được xem là thủ đô của Cộng đồng chung Âu châu (EU), các đại diện của phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam đã tiếp xúc và làm việc với bà Annemie Neyts-Uyttebroeck, Nghị viên châu Âu và bà Therese Murdock thuộc Liên minh Dân chủ và Tự do châu Âu (Alliance of Liberals and Democrats for Europe).

Cuộc gặp gỡ được diễn ra tại Nghị viện châu Âu, Brussels, Bỉ.

Với bà Annemie Neyts, Nghị viên châu Âu, 
thành viên Liên minh Dân chủ Tự do Châu Âu, 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cơ quan Ngoại thương

Bà Annemie Neyts cho biết EU và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác (Partnership and Cooperation Agreement) vào năm 2012 và nay đang trong tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Bà Annemie Neyts, trong vị trí là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cơ quan Ngoại thương, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán này.

Bà Annemie Neyts hỏi thăm về mục đích và các hoạt động của phái đoàn, hứa sẽ sắp xếp một cuộc gặp giữa phái đoàn và đại diện Nghị viện tại Geneva nhân dịp UPR.

Đoàn đại diện của Việt Nam đã trình bày các hoạt động trước, trong và sau UPR và tham vấn bà Annemie Neyts về những cách thức hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức xã hội về các cơ chế nhân quyền quốc tế, trong đó có cả các cơ chế của Liên minh châu Âu.

Sau khi kết thúc buổi làm việc với bà Annemie Neyts, phái đoàn đã làm việc với bà Therese Murdock, đại diện Liên minh Dân chủ Tự do châu Âu.

Với bà Therese Murdock, đại diện Liên minh Dân chủ Tự do châu Âu
và ông Philipp Woschitz, Advocacy Officer - 
Front Line Defenders - EU Office

Bên cạnh việc trao đổi về các hoạt động của phái đoàn trong suốt thời gian vừa qua, đôi bên đã thảo luận về các khả năng hợp tác, trong đó nhấn mạnh tới việc tổ chức những khóa đào tạo về quyền con người và xã hội dân sự - vốn là những lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam - cho các bạn trẻ, đặc biệt là các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và những người hoạt động về Nhân quyền.

Bà Murdock cùng với các đại diện Việt Nam đã đồng ý về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức xã hội về nhân quyền và vai trò của xã hội dân sự trong sự phát triển của Việt Nam.

Cuộc tiếp xúc, vận động kế tiếp tại Brussels là với tổ chức nhân quyền quốc tế Front Line Defenders, The Human Rights Working Group (COHOM), Human Rights and Democracy Network European Instrument for Democracy and Human Rights (EIDHR) thuộc  European Commission. 

Mạng Lưới Blogger Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật những hoạt động của phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam trong chuyến công tác UPR Việt Nam này.

mardi 28 janvier 2014

Thư gửi Hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) năm 2014



Thưa quý vị

Tôi là một Geophysicist 78 tuổi hiện sống ở Hanoi. Tôi không làm chính trị. Công việc chính của tôi là nghiên cứu về Palaeomagnetism. Tôi đã nghỉ hưu nhưng vì bị giày vò bởi sự tước đoạt các quyền tự do dân chủ, chà đạp lên quyền con người đối với nhân dân tôi nên tôi đã không thể không lên tiếng. Cuối năm 1998, chỉ vì bài viết “Nhân quyền - Khát vọng ngàn đời” (còn lưu trong thư viện online: www.nguyenthanhgiang.com) trình bày những nhận thức phổ quát về nhân quyền, trong đó khẳng đinh: “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” mà tôi bị ông Đỗ Mười - tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ - ra lệnh tống giam. Ngày ấy đã sát Tết Nguyên đán nên một học trò cũ của tôi ở ngành công an nói rằng họ đã xin hoãn chấp hành lệnh. Tuy nhiên đến tháng 3 năm 1999 họ đã tống giam tôi thật sự. Nhờ đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ, Pháp, Úc... và sự can thiệp của Quốc hội Hoa Kỳ cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ họ đã phải thả tôi ra sau mấy tháng biệt giam. Không xét xử, không luận tội nhưng cũng không xin lỗi.

Tuy chưa bỏ tù lâu dài được tôi nhưng họ đã và đang thường xuyên vây hãm, khống chế, cô lập tôi. Trước đây họ cắt điện thoại, cắt mạng internet, nay họ theo dõi, nghe lén 24/24h. Khi nhận được tín hiệu mà họ cho là khả nghi, họ điều động hàng chục (có khi tới dăm chục) công an bao vây và đặt chốt canh công khai ngay trước nhà tôi. Cuộc vây ráp, bắt bớ mới nhất xảy ra hôm 29 tháng 11 năm 2013 chỉ vì họ nhận được tin tiến sỹ Phạm Chí Dũng - một nhà hoạt động dân chủ - từ Saigon ra Hanoi làm việc ghé thăm tôi. Báo chí của ĐCSVN không chỉ ngang nhiên gán ghép tôi: phản bội tổ quốc, phản động, gián điệp... mà còn vu khống, xuyên tạc, bôi bẩn tôi rất thậm tệ. Mặc dù không tìm được bằng chứng luận tôi nhưng họ vẫn liên tục khám nhà tôi tới 9 lần (sục cả vào thùng gạo, nhà vệ sinh...), lấy đi hàng tạ tài liệu và thiết bị văn phòng, câu lưu thẩm vấn tôi gần 20 lần...

Dẫu sao, nỗi gian truân của tôi không thể nào so sánh với Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Xuân Nghĩa... Tôi vô cùng xót thương những người vừa có tấm lòng thiết tha vì con người vừa có trí tuệ cao cả như: Trần Huỳnh Duy Thức, Vi Đức Hồi, Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Trần Anh Kim... Tôi cũng mong quý vị quan tâm đến những người dù đã được ra tù hay chưa vào tù nhưng đang sống dở chết dở giữa xã hội vì bị kỳ thị, bị khống chế như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Thục Vy...

Không thể không thừa nhận rằng Quyền Con Người ở Việt Nam đã được thăng tiến đáng kể. Tuy nhiên vì đã được xuất phát từ mức vô cùng tồi tệ kể từ khi ĐCSVN du nhập chủ nghĩa Mác Lênin nên cho đến nay nhân dân tôi vẫn còn bị đọa đày trong trạng thái thật đen tối.

Ông Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của ĐCSVN, từng tuyên bố: “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Xin quý vị xem xét lại xem, trong lịch sử nhân loại có cái khẩu lệnh nào phản động hơn thế? Những “công cuộc lớn” của ĐCSVN như: Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Xét lại Chống Đảng... chính là sự nối dài của chủ trương cơ bản của ĐCSVN: diệt tinh hoa dân tộc. Diệt tinh hoa dân tộc chính là tước bỏ quyền sống, quyền phát triển của dân tộc. Cho đến tận bây giờ ĐCSVN vẫn ngang nhiên trân tráo cướp đoạt quyền của dân tộc, của đất nước. Mỗi độ xuân về, họ trương khẩu hiệu phải mừng Đảng rồi mới được mừng xuân, mừng đất nước. Họ buộc quân đội trước hết phải trung với Đảng, chứ không phải với nước. Họ buộc công an phải là thanh lá chắn của Đảng...

Rõ ràng vấn đề nền tảng của Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam đã bị hủy hoại từ ngày ĐCSVN chấp chính. Mỗi ngày họ có sửa sang vặt vãnh đôi chút để lấy lòng và lừa mỵ những ai hời hợt cả tin nhưng thực tế vẫn quá tồi tệ.

Tiếc rằng tôi không thể đến trực tiếp với quý vị (năm 1996 tôi cũng đã từng được mời đến Giơneve để trình bày một bản báo cáo về Palaeomagnetism tại Hội nghị Địa Vật lý Quốc tế nhưng đã bị nhà cầm quyền ngăn trở) nhưng kính mong quý vị hãy chú tâm lắng nghe những đồng sự của tôi là những đại diện cho VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, No-U Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam...

Tôi hy vọng quý vị sẽ có đóng góp thỏa đáng cho việc đòi xóa bỏ điều 258 trong bộ luật hình sự và thả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam

Hanoi ngày 26 tháng 01 năm 2014

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6, Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn, Từ Liêm - Hanoi
Mobi: 0984 724 165