lundi 30 septembre 2013

Công an bảo vệ dân hay khủng bố dân?


Phương Bích - Hắn có một đồng bọn mặc áo mưa đứng bên cạnh, mà mọi người phát hiện đó là gã đàn ông vừa từ bên trong trụ sở công an đi ra. Hóa ra chỉ cần vứt bỏ bộ cảnh phục trên người, là công an có thể đồng hành cùng côn đồ chăng? Khi chúng tôi vạch mặt công khai ngay tại đó, gã đàn ông kia không nói một lời...

*

Thông thường, người phạm tội dù nặng hay nhẹ đều có tâm lý sợ công an. Vì vậy trừ đám anh chị, côn đồ liều mạng, hiếm kẻ nào phạm tội lại dám chống lại chứ đừng nói đến chuyện chửi mắng công an. Thế nhưng đêm ngày 25/9/2013, trước cửa trụ sở công an huyện Thanh Trì, khi người dân phẫn nộ chửi mắng sa sả công an là côn đồ, súc sinh, hèn hạ vì hành động đánh đập người dân và bắt người vô cớ mà công an đứng đầy bên trong lại im re. Đừng nói là công an bẫy cho người dân chửi bới. Vấn đề ở chỗ bắt người trái phép thì phải thả người. 

Thế mới nói chả cứ dân thường hay công an, hễ cứ sai thì đều phải im thin thít. 

Chuyện xảy ra mấy hôm rồi. Các trang mạng đã nói nhiều rồi. Tôi chỉ muốn điểm lại sự việc để nói về một khía cạnh khác, trong vụ dùng vũ lực để đột nhập vào tư gia của blogger Nguyễn Tường Thụy chiều tối ngày 25/9/2013, công an huyện Thanh Trì đã bắt toàn bộ cả chủ lẫn khách gồm ông Phan Bá Hải (tù nhân chính trị đã hết thời hạn quản chế), ông Lê Quốc Quyết (em trai luật sư bất đồng chính kiến đang bị cầm tù Lê Quốc Quân), bà Dương Thị Tân (vợ cũ tù nhân chính trị đang bị cầm tù Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày) và hai mẹ con Nguyễn Phương Uyên (tù nhân chính trị đang chịu án tù treo), ông Trương Văn Dũng, đưa về trụ sở công an huyện Thanh Trì. 

Cách tiến hành bắt bớ này cho thấy, ngoài tính hung hãn cố hữu của công an địa phương vùng “sâu vùng xa”, còn thể hiện sự cực kỳ kém hiểu biết về quyền hạn của chính các lực lượng công an, vì thế sau gần 5 tiếng giam giữ trái phép những người bị bắt nói trên, công an đã buộc phải thả tất cả , trừ hai mẹ con Nguyễn Phương Uyên đã bị đưa thẳng ra sân bay Nội Bài trước đó. 

Cứ cho là công an huyện Thanh Trì đã được lệnh, nhưng ít ra họ phải hiểu thi hành lệnh đó như thế nào mới đúng. Nếu muốn bắt một mình Phương Uyên thì cứ tuyên bố một cách đàng hoàng, đằng này lại đạp cửa xông vào nhà người dân để bắt người như một lũ đầu trâu mặt ngựa là không được. 

Theo như bà chủ nhà cho biết, bà đang trong nhà vệ sinh, thấy ồn ào thì vội ngó ra liền bị túm lấy luôn, khiến bà tiểu cả ra quần. Con gái út của bà từ trên gác chạy xuống thì bị tưởng nhầm là Phương Uyên!!! nên bị công an túm ngay lấy, bẻ quặt tay ra đằng sau, lôi ra xe. Cô bé hốt hoảng kêu ầm lên “sao lại bắt cháu?” nhưng vẫn bị lôi đi. Điều này chứng tỏ trong lực lượng đột nhập vào nhà dân không hề có cảnh sát khu vực hay tổ dân phố, nên không phân biệt được đối tượng cần bắt với người dân địa phương. 

Đối tượng của họ là Nguyễn Phương Uyên, nhưng cảnh sát lại bắt tất cả chủ lẫn khách, cả đàn ông lẫn đàn bà. Một thành viên No-U khi nghe tin đã kịp thời có mặt ở bên ngoài , chụp ảnh cảnh bắt bớ thô bạo của công an cũng bị túm lấy và hốt về đồn. Sau khi về đồn, cảnh sát thả 4 người là mẹ con bà chủ nhà, chị Tân, và người chụp ảnh. 5 tiếng sau thì thả nốt 4 người đàn ông. Riêng mẹ con Phương Uyên bị đưa lên một chiếc xe khác, đưa thẳng ra sân bay Nội Bài (mãi đêm khuya mọi người mới biết điều này) 

Điều đáng ngạc nhiên là lý do chính có lẽ chỉ nhằm vào việc Nguyễn Phương Uyên, vì đã rời khỏi nơi cư trú trong thời gian chịu án tù treo mà chưa được phép của chính quyền địa phương? 

Theo một số thông tin, án tuyên tại tòa không có thời gian quản chế, nhưng ngày 26/9 mới đây, công an mới tống đạt cho Phương Uyên quyết định ký ngày 25/9 thì lại phát sinh thời gian quản chế? Tôi tin rằng việc Phương Uyên đi khỏi nơi cư trú cũng đã được các luật sư tư vấn về mặt pháp lý. 

Nhưng khoan nói đến việc đó, suốt cả tuần lễ Phương Uyên nghỉ ngơi tại khách sạn, đi lại thăm thú các nơi như Đền Hùng, vịnh Hạ Long và gặp gỡ một số sứ quán tại Hà Nội thì không thấy một động thái gì từ phía công an. Chỉ đến khi họ chuẩn bị về lại Sài Gòn, đến dùng bữa cơm chia tay tại nhà blogger Nguyễn Tường Thụy, thì công an mới ập vào kiểm tra hành chính và tiến hành bắt tất cả chủ lẫn khách. Điều đó nói lên cái gì? Sai sót là ở điểm nào? 

Không phải cái câu ngạn ngữ ” mỗi lần ngã là một lần bớt dại” lúc nào cũng đúng, ít ra là đối với công an huyện Thanh Trì. Việc không có lệnh mà tùy tiện bắt người, rồi không tìm được lý do để tống giam nên buộc phải thả người không phải xảy ra lần đầu. Khi nghe chị Dương Thị Tân kể lại, một công an mặc sắc phục đã ghé vào tận mặt chị để chửi: đ.mẹ mày, nhiều người thực sự sôi máu, không thể ngờ công an thời nay lại mất dạy đến thế, vô văn hóa đến thế. 

Điều khiến tôi kinh tớm nhất là việc đàn ông đánh và chửi phụ nữ. Nếu công bằng trong một cuộc đấu, hãy một đối một, và tương quan lực lượng. Đằng này quyền hành trong tay mà phải ỷ đông hiếp yếu, đánh hội đồng Lê Quốc Quyết có lẽ chỉ vì tội cậu là em trai Lê Quốc Quân. Rồi cả đàn bà chân yếu tay mềm cũng không tha (chị Tân bị túm tóc, đập đầu xuống mui xe. Phương Uyên bị tát hộc máu mồm máu mũi, bị túm tóc đập đầu vào tường). Không một người nào trong số những người bị bắt không bị dùng vũ lực cưỡng chế một cách thô bạo và hèn hạ. Có người hỏi sao không thấy hình ảnh nào chứng minh việc họ bị đánh đập? Câu hỏi đến là ngây thơ. Sự việc hỗn loạn xảy ra trong một không gian hẹp, giả sử có ai đó đàng hoàng đứng chụp ảnh, quay phim lại những cảnh trên, bạn nghĩ bạn có còn nguyên vẹn cả người lẫn vật chứng mà thoát ra khỏi hiện trường, để công bố những hình ảnh đó lên mạng làm bằng chứng không? Hãy nhớ đến gương của 2 nhà báo VOV, bị đánh bầm dập trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang trước khi hỏi câu đó. 

Khi nghe loan tin trên mạng, tôi thực sự phẫn uất. Cuộc sống của người dân đang yên lành, bỗng chốc bị tan nát bởi điều gì? Công an làm thế được lợi gì? Trái với những gì vẫn thường hô hào là bảo vệ dân, mà đây thực sự là khủng bố dân thì đúng hơn. Và điều gì sẽ xảy ra khi người dân bị khủng bố thân cô thế cô? 

Suốt mấy tiếng đồng hồ đứng dưới mưa đêm, chúng tôi hết chửi rủa lại đến hô phản đối bắt người trái phép, hô đòi thả người. Những người dân quanh đó cũng tò mò kéo nhau ra xem. Một chiếc xe ô tô đen đi đến, và một gã đàn ông mình trần, đầu trọc, xăm trổ vằn vện nhảy xuống, lừ lừ đi đến hỏi chúng tôi đứng đây làm gì. Khi mọi người trả lời, hắn nói: 

- Không có tội sao lại bị bắt? 

Chúng tôi biết thừa hắn là ai nhưng vẫn đáp: 

- Không có tội, sao bắt lại phải thả? 

Hắn có một đồng bọn mặc áo mưa đứng bên cạnh, mà mọi người phát hiện đó là gã đàn ông vừa từ bên trong trụ sở công an đi ra. Hóa ra chỉ cần vứt bỏ bộ cảnh phục trên người, là công an có thể đồng hành cùng côn đồ chăng? Khi chúng tôi vạch mặt công khai ngay tại đó, gã đàn ông kia không nói một lời. Không vặn vẹo được gì thêm thì gã mình trần hoạnh họe: 

- Tôi thấy các vị đứng trước cửa nhà tôi thì tôi phải hỏi. 

Khi hỏi nhà hắn đâu, hắn chỉ vào tòa nhà to vật, có cột cờ như lãnh sự quán ở bên kia đường. Chúng tôi cười ồ, bảo hóa ra chúng tôi đứng ở cổng cơ quan công an bên này đường, cũng là nhà của hắn à thì hắn chuồn. 

Thêm một đám thanh niên mặc áo mưa đi đến hỏi chuyện. Có người nghe thấy chúng thì thầm máy nhau, bèn hô lên cho những người đang cầm điện thoại cẩn thận. Đám thanh niên sau đó bỏ đi. 

Đến hơn 11 giờ đêm thì những người bị bắt vô cớ mới được thả. Trừ chiếc điện thoại rẻ tiền đòi mãi mới trả, còn máy ảnh thì coi như bị cướp luôn. Điều đó cũng giải nghĩa một phần cho câu hỏi: tại sao không có hình ảnh vụ người bị bắt bị đánh đập? 

Trong đêm mưa tầm tã, những chiếc xe máy, ô tô đi thành đoàn, chở những người bị bắt quay về. Tôi về đến nhà là 12 giờ đêm, không biết còn một nhóm anh em lại đội gió mưa sang tận Nội Bài với mẹ con Phương Uyên. 

Sự việc tạm coi đã kết thúc. Những tiếng hô đòi thả người, những cái ôm chặt khi trở về trong vòng tay bạn bè đủ để nói lên tất cả. Có người khuyên vợ chồng ông Nguyễn Tường Thụy, nên phát đơn kiện công an huyện Thanh Trì về việc bắt người trái phép, ăn cắp tài sản (sau khi về nhà kiểm tra thì phát hiện ra đã bị mất). Theo các bạn, sẽ có tòa án nào xử vụ kiện này không? 

Cuộc sống này quả thật không bình yên chút nào. Trộm cướp, giết người chẳng ngày nào báo chí không nhắc đến. Tắc đường, tai nạn giao thông không hề thuyên giảm. Hàng hóa độc hại đang giết dần giết mòn người dân không ai kiểm soát. Bất động sản đóng băng vì không có người mua mà vẫn cứ tiếp tục cướp đất sản xuất để xây nhà. Câu hỏi này dành cho ai trả lời? Mấy ông nghị chỉ biết gật đầu tán thành ư? 

Một bạn chia sẻ trên facebook: “Sáng nay em qua chỗ gần CA Thanh Trì uống nước, thấy người dân nói chuyện về vụ bắt người và đòi người hôm qua mà thấy cũng vui. Họ bảo chưa bao giờ được chứng kiến nhiều người bao vây và chửi CA nhiều đến thế, mà lại không thấy CA phản ứng gì, chắc là CA làm sai đâm ra không dám thò mặt ra, phải gọi đàn em đến (xã hội đen) giải vây cho mà không được, họ bảo cho chửi chết mẹ mấy thằng CA đi.” 

P/S: 

Có bạn lên án việc một số người trong chúng tôi chửi tục. Nhưng công bằng mà nói, văn hóa chửi tục hiện diện khắp nơi trong cuộc sống đời thường. Chả cứ người dân mà công an cũng chửi tục. Bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh thực tế, khi đối diện với sự bất công và bạo lực, máu phẫn uất trong người bạn sôi lên sùng sục thì người dân tay không chỉ có thể dùng vũ khí chửi. Lúc đó chuyện phản ứng mà văng tục xem ra không phải là điều đáng trách lắm. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Bạn đừng đòi hỏi người ta phải lịch sự khi công an ghé vào tận mặt bạn để nói: Đ.mẹ mày. 

Mặt Phương Uyên vẫn còn sưng sau cú tát. Nghe nói hiện giờ toàn thân cháu vẫn rất đau, và đi tiểu ra máu.


Trần Dân Tiên thực là ai!?

... Cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết rất trung thực, sống động, từ khi ra đời không hề có ai phản bác, chỉ có cái tên Trần Dân Tiên bị gán cho Bác, đã làm cho những kẻ thù địch xuyên tạc nói xấu mà thôi... 

Đã tìm thấy Trần Dân Tiên... 

Thái Doãn Hiểu (Văn Hóa Nghệ An) - Theo Nguyễn Khôi - 75 tuổi nguyên chuyên viên cao cấp - phó vụ trưởng Văn phòng Quốc Hội, có thời gian làm Bí thư chi bộ có các bác Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Thọ cùng sinh hoạt, là Nhà văn Hà Nội, tác giả bộ Cổ pháp cố sự, Chuyện làng Đình Bảng xưa, 4 tập - 920 trang viết về cội nguồn nhà Lý, giải thưởng VHNT Thủ Đô 2008- (xem Nguyễn Khôi- Wikipedia tiếng Việt).

Cuốn "Những mẩu chuyện hoạt động của Hồ Chủ tịch" ra đời là do lúc đó (1945-1946) kể cả trong và ngoài nước, địch - ta... ít ai biết về Hồ Chí Minh, mà chỉ biết có Nguyễn Ái Quốc, vì thế theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho Trần Huy Liệu (Bộ trưởng bộ Tuyên truyền) viết giới thiệu về Bác, Trần Huy Liệu không viết mà giao cho Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chấp bút, xong khởi thảo thì Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung (thêm bớt) rồi qua Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc "duyệt" cho ý kiến để hoàn thiện đem xuất bản. Ở thời điểm ấy bận trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài như thế thì Bác làm sao mà ngồi chấp bút viết về mình được ? Hơn nữa, Hồ Chủ tịch là người bình sinh khiêm tốn không khi nào nói về mình. 

Tên bút danh "Trần Dân Tiên" có ý nghĩa: người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có ý ngầm: mấy người chấp bút này (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần - Trần Hưng Đạo (Nam Định) đều nêu cao tinh thần "Sát Thát"- chống ngoại xâm, chả thế mà khu rừng ở Cao Bằng nơi ra đời Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp cũng gọi là "Khu rừng Trần Hưng Đạo" ? 

Cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết rất trung thực, sống động, từ khi ra đời không hề có ai phản bác, chỉ có cái tên Trần Dân Tiên bị gán cho Bác, đã làm cho những kẻ thù địch xuyên tạc nói xấu mà thôi. 

Trên đây là những cái mà Nguyễn Khôi nghe được ở các vị Thủ trưởng, các bậc đàn anh nói chuyện với nhau qua những lần tiếp xúc trong những câu chuyện dọc đường công tác kể chuyện về Bác, vì không phải là "giấy trắng mực đen", ghi âm, chứng cứ rõ ràng, mà chỉ là "chuyện kể" của nhiều người (không phát ngôn chính thức) Nguyễn Khôi nghe lỏm được, thấy không có hại, nên trước khi từ biệt thế giới này (vì đã ở tuổi 75) thử đưa ra để mọi người tham khảo, tìm tòi thêm để đi đến kết luận chính xác " Trần Dân Tiên (*) thực là ai?". (Hà Nội 31-7-2013 Nguyễn Khôi cẩn bút...) 

_________________________________ 

(*) Trần Dân Tiên là ai ? Lịch sử vấn đề. 

Tên gọi và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Sau nhiều năm hoạt động trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều bí danh và tên gọi khác nhau để đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy nhiên, danh xưng Hồ Chí Minh được chọn là tên gọi chính thức của ông và được nhiều người chấp nhận nhất. Theo một số tài liệu thì ông bắt đầu sử dụng danh xưng Hồ Chí Minh từ năm 1940 nhưng không ai biết cho đến khi bị chính quyền Trung Quốc bắt do nghi ngờ là gián điệp vào năm 1942. Từ đó ông bắt đầu công khai và dùng tên gọi Hồ Chí Minh với mọi người. Và từ đó trở đi danh xưng Hồ Chí Minh đã trở thành tên gọi chính thức của ông. 

Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh (dùng từ 1942), và tên tự Nguyễn Tất Thành, trong cuộc đời mình, ông còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như Paul Tất Thành (1912); Nguyễn Ái Quốc, từ 1919); Văn Ba (khi làm phụ bếp trên tàu biển, 1911); Lý Thụy (khi ở Quảng Châu, 1924-), Hồ Quang (1938-40), Vương (Wang) (1925-27, 1940), Tống Văn Sơ (1931-33), Trần (1940) (khi ở Trung Quốc); Chín (khi ở Xiêm La, 1928-30) và được gọi là Thầu (ông cụ) Chín; Lin (khi ở Liên Xô, 1934-38); Chen Vang (trong giấy tờ đi đường từ Pháp sang Liên Xô năm 1923); ông cũng còn được gọi là Bác Hồ, Bok Hồ, Cụ Hồ. Khi ở Việt Bắc ông thường dùng bí danh Thu, Thu Sơn và được người dân địa phương gọi là Ông Ké, Già Thu,. Tổng thống Indonesia Sukarno gọi ông là "Bung Hồ" (Anh Cả Hồ). 

Ông dùng 173 bút danh khi viết sách, báo:[209] Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q, Ng A.Q, Ng. Ái Quốc, N.A.Q, N., Wang, N.K., A.N; P.C. Lin, P.C. Line (1938, Trung Quốc), Line (1938, Trung Quốc), Q.T, Q.TH, Lê Quyết Thắng (1948-50), A.G, X.Y.Z (1947-50), G., Lê Nhân, Lê, Lê Ba, Lê Nông, Lê Thanh Long, L.T., T.L. (1955-69), Trần Dân Tiên, (1946), T.Lan (1955-69), Tuyết Lan, Thanh Lan, Đin (1950-53), Tân Trào, Đ.X (trong chuyên mục "Thường thức chính trị" trên báo Cứu quốc năm 1953), C.B (trên báo Nhân Dân 1951-57), V.K. , K.C., C.K., Trần Lực (1948-61), C.S, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, La Lập, Nói Thật, Thu Giang, K.V., Trầm Lam, Luật sư TH. Lam, Nguyễn Kim, K.O, Việt Hồng..v.v. 

Trong các bút danh của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên là bút danh gây nhiều tranh cãi tồn nghi nhất.

Thông tin rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh được khẳng định và được hiểu như vậy bởi một số nguồn trong và ngoài nước. 

Nguồn khẳng định 

Báo Nghệ An điện tử (của Đảng bộ tỉnh Nghệ An); 

...Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện"... 

Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

..Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch..."

Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người Việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do

...Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn "Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM" là do chính ông Hồ viết ra... 

Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm Ho Chi Minh: A Life: 

...The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages... 

Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác. 

Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử Ho Chi Minh: A Biography: 

... 

Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years:. 

...Although the author's name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography... 

Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện... 

Nguồn được tạm hiểu 

Một bài viết trên tạp chí Cộng sản Điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam)có câu như sau, từ đó người đọc có thể hiểu rằng Trần Dân Tiên cũng là Hồ Chí Minh

Tạp chí Cộng sản Điện tử , 

...Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên-Hồ Chí Minh: "Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao....);



Ghi chú: Những chữ in đậm bởi Dân Làm Báo.

Mời thảo luận về Tuyên bố 258 trong tinh thần dân chủ đa nguyên


Mạng lưới Blogger Việt Nam - Để góp phần xây dựng nền tảng cho xã hội đa nguyên ấy, để làm sáng tỏ mọi góc cạnh, quan điểm khác nhau, và quan trọng hơn cả là để cổ vũ sự công khai, đường hoàng, minh bạch và ứng xử văn minh, chúng tôi, những người ký tên trong bức thư mới này, với địa chỉ, chữ ký, người thật đang sống tại Việt Nam, đề nghị:

Tác giả Vũ Hợp Lân, Vũ Văn Tính, Đông La và những người chủ xướng Phản bác Tuyên bố 258 cùng chúng tôi tranh luận về Tuyên bố 258 cũng như Điều 258 của Bộ luật Hình sự... Báo Nhân Dân, nơi đã đăng bài viết của ông Vũ Hợp Lân và cũng là "Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân Dân Việt Nam" như đã xưng danh dưới nhãn hiệu của báo, tham dự và đưa thông tin trung thực...

*

Ngày 18/7/2013, Tuyên bố 258 ra đời với chữ ký của hơn 100 blogger Việt Nam công khai danh tính. Trong thời gian ngắn ngủi này, các đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng đã tiếp xúc với Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), các đại sứ quán Mỹ, Thụy Điển, Australia, Đức, Phái đoàn EU và G4, cùng nhiều tổ chức quốc tế về nhân quyền và truyền thông. 

Những việc làm này nhằm để vận động:

- Nhà nước Việt Nam xem xét việc hủy bỏ Điều 258 của Bộ luật Hình sự để chứng tỏ cam kết và đóng góp của mình cho việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền;

- Các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thúc đẩy Nhà nước Việt Nam thực hiện điều trên trong thời gian vận động tranh cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

- Nhà nước Việt Nam thể hiện các cam kết về nhân quyền để Việt Nam có thể là một ứng cử viên xứng đáng, tạo điều kiện cho các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đánh giá các cam kết nhân quyền của Nhà nước Việt Nam. Việc bãi bỏ Điều 258 phải là một trong các cam kết đó. 

Những hoạt động vận động này đã được sự đồng tình và hưởng ứng của nhiều công dân Việt Nam. Sự quan tâm cao của quốc tế và việc các cơ quan, đại sứ quán, tổ chức đã gặp và nhậnTuyên bố 258 là một minh chứng cụ thể.

Tuy nhiên, ngược lại, những vận động này cũng đã gặp phản ứng bất đồng từ một số người. Điển hình là những bài viết, lời kêu gọi:

Từ tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp! của tác giả Vũ Hợp Lân trên báo Nhân Dân;

Tự do ngôn luận và các giới hạn về tự do ngôn luận của tác giả Vũ Văn Tính trên báo Nhân Dân;




Tạm thời bỏ qua những cách nhìn, cách viết dùng các từ như tiếm danh, loạn ngôn, lộng ngôn, lừa bịp, tạm thời chưa phân tích các phán xét, tấn công cá nhân, hoặc lối quy chụp như mạo danh, phản bội lợi ích dân tộc, lừa bịp dư luận, cầu viện nước ngoài, sỉ nhục quốc gia... Nhìn về mặt tích cực, có thể nói những phản ứng không đồng ý với Tuyên bố 258 là một hình thái tự nhiên, nên có trong một xã hội dân chủ, đa nguyên.

Tuyên bố 258 và Phản bác Tuyên bố 258 cho thấy bước khởi đầu để tiến đến một sinh hoạt đa nguyên trong một xã hội mà thường để giải quyết những bất đồng quan điểm thì việc viện dẫn những điều luật mơ hồ như Điều 258 để bắt bớ lại là phương thức hay được sử dụng nhất.

Để góp phần xây dựng nền tảng cho xã hội đa nguyên ấy, để làm sáng tỏ mọi góc cạnh, quan điểm khác nhau, và quan trọng hơn cả là để cổ vũ sự công khai, đường hoàng, minh bạch và ứng xử văn minh, chúng tôi, những người ký tên trong bức thư mới này, với địa chỉ, chữ ký, người thật đang sống tại Việt Nam, đề nghị:

- Tác giả Vũ Hợp Lân, Vũ Văn Tính, Đông La và những người chủ xướng Phản bác Tuyên bố 258 cùng chúng tôi tranh luận về Tuyên bố 258 cũng như Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

- Nếu đồng ý, xin mời các bạn cử đại diện để cùng với đại diện của của Mạng lưới Blogger Việt Nam thảo luận và đồng ý với nhau về thời gian, địa điểm và những nguyên tắc điều hành thảo luận.

Báo Nhân Dân, nơi đã đăng bài viết của ông Vũ Hợp Lân và cũng là "Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân Dân Việt Nam" như đã xưng danh dưới nhãn hiệu của báo, tham dự và đưa thông tin trung thực.

- Các cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản và Nhà nước đồng đăng tải Tuyên bố 258 vàPhản bác Tuyên bố 258 để nhân dân được biết và có một cái nhìn khách quan.

- Bất kể ai quan tâm đều có thể đến tham dự, tự do ghi hình buổi tranh luận và công bố trên mạng truyền thông xã hội.

Trong tinh thần "nhân dân làm chủ" và mỗi công dân đều có quyền lên tiếng về mọi vấn đề liên quan đến đất nước; trong ước muốn xây dựng nền tảng cho một xã hội thực sự dân chủ và đa nguyên; và trong việc phát huy tính quang minh chính đại, công khai, người thật việc thật, chúng tôi tin rằng những đề nghị trên sẽ được đáp ứng và trả lời trên báo Nhân Dân và những trang web, blog của những cá nhân liên quan.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được hồi đáp trước ngày 5 tháng 10 năm 2013.

Để chuẩn bị cho cuộc tranh luận, các bạn có thể liên hệ với Mạng lưới Blogger Việt Nam qua email tuyenbo258@gmail.com hoặc qua comment vào trang blog của Mạng lưới Blogger Việt Nam tại địa chỉ tuyenbo258.blogspot.com.

Đồng ký tên:

1. Nguyễn Hoàng Vi - 107/22 Phan Văn Năm, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, Sài Gòn


2. Huỳnh Thục Vy - Tổ dân phố Tân Hà 2, P. Thống Nhất, Thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk


3. Trịnh Kim Tiến - 288 Tô Hiến Thành, P. 15, Q.10, Sài Gòn


4. Đặng Bích Phượng - P. 1002 - N06, Dịch Vọng, KĐT Mới, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội


5. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - 24 Đặng Tất, Vĩnh Phước, Nha Trang


6. Hoàng Thu Hà - 358/25/3, Phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội


7. Phạm Thanh Nghiên - 17 Liên khu Phương Luu, P. Đông Hải 1, Q. Hải An, Hải Phòng


8. Nguyễn Tường Thụy - 11 Cụm Quỳnh Lân, Xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội


9. Nguyễn Chí Tuyến - Tổ 2 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội


10. Võ Trường Thiện - 2A, Nguyễn Thị Định, Nha Trang


11. Lã Việt Dũng - 14 Ngõ 26, Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội


12. Vũ Sỹ Hoàng - 20, Đường số 4, Tổ 5, Kp 3, P. Linh Xuân, Q. Thủ Đức, Sài Gòn


13. Nguyễn Văn Viên - 33, Ngõ 132, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội


14. Nguyễn Hồ Nhật Thành - 288 Tô Hiến Thành, P. 15, Q.10, Sài Gòn


15. Lê Hồng Phong - 2, Ngõ 560, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội


16. Nguyễn Đình Hà, 50 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội


17. Châu Văn Thi - 180 /1 KP4, Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Q. 7, Sài Gòn


18. Lê Văn Dũng - 54, Hà Trì 3, Hà Đông, Hà Nội


19. JB Nguyễn Hữu Vinh - 9, Ngách 21, Ngõ 111, Đường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội


20. Khổng Hy Thiêm - Suối Tân - Cam Lâm - Khánh Hoà